Lái xe vào nội đô có thể mất từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượt. Phản ứng của các tài xế thế nào?

Những người sinh sống ở ngoài Vành đai 3, hàng ngày làm việc ở trung tâm thành phố nghĩ gì về phương án này?

Nếu Đề án Giao thông thông minh được Thành phố Hà Nội thông qua, trong giai đoạn từ năm 2027 đến 2029, hệ thống giao thông thông minh sẽ vận hành đủ 12 chức năng, trong đó có chức năng quản lý nhu cầu giao thông (thu phí vào nội đô).

Trước đó, trong đề án thu phí vào nội đô đưa ra xin ý kiến Thành phố, đơn vị tư vấn đề xuất mức phí cho mỗi xe ô tô tiêu chuẩn từ ngoài vành đai 3 vào trung tâm là từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượt.

Đứng cạnh tôi là anh Lê Hoàng, đang sống ở một chung cư có vị trí đặc biệt – Sát vành đai 3, nhưng nằm phía bên ngoài. Nói không ngoa, chỉ vài bước chân đi bộ thôi, anh ấy đã có thể đặt chân vào trong vành đai 3.

Chào anh, anh có thể chia sẻ lộ trình di chuyển của mình?

Tôi ở khu Hateco, Yên Sở, Hoàng Mai, hàng ngày tôi đi làm ở khu vực Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, khoảng 7km. Với cự ly như vậy mà mức phí 50.000 lượt đi, 50.000 lượt về, có lẽ tôi gọi xe ôm, xe công nghệ có khi cũng bằng giá đấy.

Ảnh minh họa

Nghe đã thấy anh chịu tác động trực tiếp rồi. Anh thấy sao nếu giai đoạn từ khoảng 2027 trở đi, Hà Nội có thể bắt đầu tiến hành thu phí vào nội đô?

Tôi hiện tại vẫn đi làm lúc xe máy, lúc ô tô. Tuy nhiên, với 187 trạm thu phí dày đặc thế này, sẽ rất khó khăn cho người dân. Vì nó liên quan đến tài chính, mỗi người dân khác nhau, với người đi ô tô thì có thể không vấn đề. Nhưng với những người kinh doanh taxi, xe hợp đồng thì đó là con số đáng cân nhắc.

Tất nhiên có điều lợi là khu vực nội đô không khí trong lành hơn, chỉ số không khí tốt hơn. Tuy nhiên nó đẩy mặt bằng giá lên cao, vì liên quan chi phí vận tải. Mức phí 100 nghìn/ngày sẽ đẩy giá cả các thứ leo thang. Trong khi lương thì gần như nhích lên rất chậm hàng năm, không thể bù đắp được chi phí phát sinh.

Đặc biệt là cả câu chuyện bãi đỗ xe nữa. Chúng ta đang thiếu, nhưng với những người lách luật, nhiều khi họ đi một đoạn qua trạm thu phí thì lại hình thành bãi đỗ xe, nó lại theo chiều hướng khác.

Đó là mô hình Park and Ride mà Hà Nội hướng tới, tức là mọi người được khuyến khích đỗ xe ở ngoài vành đai và đi các phương tiện công cộng, thân thiện môi trường hơn vào nội đô. Có lẽ anh lo ngại là các bãi đỗ xe lậu mọc lên gây nhiễu loạn về giá?

Đúng rồi, tại những bãi đỗ xe lậu đấy nếu mọc lên thì gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo anh Lê Hoàng, nếu dự kiến thu phí vào nội đô, có thể anh sẽ cân nhắc bỏ việc tự lái ô tô vào trung tâm, chuyển sang giao thông công cộng

Vâng, hy vọng các bãi đỗ xe hợp pháp, được quy hoạch bài bản sẽ được xây dựng. Quay trở lại câu chuyện thu phí để hạn chế xe vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, giảm quá tải khu vực trung tâm… Anh có cân nhắc phương tiện khác ngoài bắt xe công nghệ?

Thực ra nếu chọn phương tiện tối ưu nhất là đi xe máy. Tôi cũng có nghe thông tin, sẽ thí điểm cấm xe máy ở một số khu vực. Khả năng lúc ấy cũng phải tính toán phương tiện công cộng và nó đáp ứng được như thế nào.

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Hiện phương tiện công cộng đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu đi lại tại Hà Nội. Trong vài ba năm tới, khi các dự án đường sắt đô thị tiếp tục triển khai, từng bước khai thác ổn định, năng lực xe buýt được nâng cao, con số này có thể sẽ tăng lên.

Trong bối cảnh đó, việc tính toán lộ trình để tiến tới thu phí vào nội đô được cho là một trong nhiều giải pháp để khuyến khích người dân giảm lệ thuộc phương tiện cá nhân, hạn chế những chuyến chạy xe rỗng, những chuyến đi không thực sự cần thiết vào trung tâm thành phố. Đó cũng là xu hướng của các đô thị lớn trên thế giới.

bấm tắt để xem =>
FLASH SALE
giá tốt, ưu đãi khủng

Xem Ngay