Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Hà Nội vừa hoàn thiện dự thảo Quy định về thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Sở TN&MT cho biết, hơn 90% người dân được khảo sát đồng ý thực hiện kiểm soát khí thải xe máy.
72% xe máy ở Hà Nội có niên hạn trên 10 năm
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thực hiện Luật Thủ đô 2024, UBND thành phố giao Sở TN&MT chủ trì soạn thảo, tham mưu, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp. Quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp Luật Thủ đô 2024 (dự thảo Quyết định).
Về tiến trình thực hiện các công việc trên, Sở TN&MT đã hoàn thiện dự thảo theo ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tham vấn, cho ý kiến. Cùng với đó, đã có văn bản trình Sở Tư pháp thẩm định.
Sau khi dự thảo quyết định được Sở Tư pháp thẩm định xong, trong tháng 12/2024, UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp vào cuối năm 2024.
Sở TN&MT cho biết, Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng môi trường không khí.
Đánh giá về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đại diện Sở TN&MT cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và tốc độ đô thị hoá cao, số lượng phương tiện cá nhân (xe gắn máy, xe ô tô) tăng nhanh đã gây ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải mà phương tiện giao thông thải ra.
Sở TN&MT dẫn số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, tổng số phương tiện đường bộ trên địa bàn thành phố đang quản lý tính đến tháng 4 năm nay là hơn 8 triệu phương tiện, trong đó xe máy là hơn 6,9 triệu xe; ô tô là 1,1 triệu xe. Đặc biệt, với xe máy, qua rà soát, lượng phương tiện đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58%.
“Lượng xe có tuổi đời sử dụng trên 10 năm sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhất là vào những khung giờ cao điểm, tại các ngã tư, mật độ người tham gia giao thông lớn không những gây ùn tắc giao thông mà khí thải của các phương tiện xả ra khi dừng chờ đèn đỏ gây ngột ngạt, khó chịu cho những người tham gia giao thông”, Sở TN&MT thông tin.
Thay thế đến 90% xe buýt dầu bằng xe buýt xanh vào năm 2030
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, để cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từ nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố có chủ trương, cần có các chính sách, quy định, và giải pháp cụ thể để giảm phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ.
Năm 2022, Sở TN&MT đã thực hiện “Chương trình thí điểm kiểm soát khí thải từ xe máy”. Chương trình đã tiếp nhận và thực hiện kiểm soát khí thải đối với 5.240 xe máy và khảo sát ý kiến đối với 3.867 người dân tại Hà Nội.
Với nội dung kiểm soát, đo khí thải, có 54,2% (tương đương 2.840 xe) không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về khí thải (mức 1). Tuy nhiên, sau khi các máy trải qua bảo dưỡng, thực hiện đo lại lần hai, thì tỷ lệ xe không đạt chỉ còn 9,54% (tương đương 520 xe). Trong trường hợp này, các xe lỗi khí thải lần 1 và không thực hiện bảo dưỡng được tính là không đạt tiêu chuẩn.
Sở TN&MT cho biết kết quả, có tới 91% người dân được khảo sát đồng ý thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát khí thải xe máy.
Về mặt kinh tế – xã hội thực hiện kiểm soát khí thải, cơ quan thực hiện cho biết, chính sách hầu như không làm phát sinh chi phí cho người dân do chi phí từ việc tiết kiệm nhiên liệu (nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể giảm đến 7% lượng nhiên liệu tiêu thụ), việc này có thể bù đắp cho chi phí kiểm tra và bảo dưỡng xe.
Ngoài ra, TP. Hà Nội đã đưa ra kế hoạch và lộ trình chuyển đổi xe buýt dùng điện, năng lượng xanh trên địa bàn phù hợp với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh; đến năm 2035 tỷ lệ này là 100%.
NGUỒN: https://tienphong.vn/ha-noi-hon-90-nguoi-dan-dong-y-kiem-soat-khi-thai-xe-may-post1689399.tpo